Tại sao màn hình máy tính ngày nay giúp bạn đỡ mỏi mắt hơn

Bạn thường dành cả ngày dài trước màn hình máy tính, bởi vậy rất nhiều người gặp tình trạng đau mỏi mắt, mờ mắt. Với sự hiện đại của công nghệ ngày càng phát triển, những chiếc màn hình máy tính ngày này đã giúp ngưởi dùng thoát khỏi tình trạng e ngại đó.

Màn hình mới sẽ có tính năng DC Dimming

Màn hình máy tính ngày nay thường được cấu tạo từ rất nhiều diode phát sáng (LED) nhỏ. Để bảo vệ mắt, những LED này có thể được làm tối đi để giảm cường độ ánh sáng phát ra.

Có hai cách để làm tối LED: thông qua điều chế độ rộng xung (hay điều chế thời gian xung, viết tắt là PWM) hay thông qua dòng điện một chiều (viết tắt là được). Với cách PWM, các LED sẽ được bật lên rồi tắt đi rất nhanh, và càng ở chế độ tắt nhiều, chúng càng tối hơn.

PWN đã được ứng dụng trên màn hình LED từ lâu, và nó khá hiệu quả. Không may là, nó có thể gây ra hiện tượng nháy màn hình, làm mắt mỏi hơn. Tình trạng này đặc biệt đáng chú ý khi màn hình của bạn được đặt ở độ sáng rất thấp.

Làm tối thông qua DC đi theo một hướng khác. Thay vì bật và tắt các LED ở mức điện năng cao nhất, nó sẽ điều chỉnh cường độ dòng điện đi vào các diode. Khi có ít điện chạy qua hơn, các LED sẽ không sáng như thông thường. Kết quả là không hề có hiện tượng nháy màn hình xảy ra.

Nhiều màn hình hiện đại được trang bị tính năng DC Dimming (đôi lúc nó sẽ được gọi là “PWM-free”). Trước đây loại màn hình này khá đắt và có nhược điểm là các LED sẽ nhanh chết hơn. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng được cải tiến, số lượng màn hình với DC Dimming cũng ngày càng phổ biến và rẻ hơn.

Màn hình mới có tính năng điều chỉnh độ sáng tự động

Màn hình nếu quá sáng sẽ có thể gây mỏi mắt. Dù tự tay điều chỉnh độ sáng là chuyện khá dễ dàng, rất nhiều màn hình mới ngày nay được tích hợp hẳn tính năng điều chỉnh độ sáng tự động. Nếu bạn từng sử dụng một chiếc máy đọc sách Kindle có đèn nền, bạn hẳn đã biết tính năng này rồi.

Những màn hình như vậy có các cảm biến ánh sáng và luôn điều chỉnh độ sáng đến mức tối ưu. Một số thậm chí còn cho phép bạn tuỳ biến cách hoạt động của tính năng này. Nó giúp bạn bớt đi một bước phải làm, giúp bạn không quên việc tự mình điều chỉnh độ sáng màn hình.

Nếu màn hình của bạn hiện không có tính năng này, bạn có thể giả lập nó bằng phần mềm. Ví dụ, sử dụng tính năng “Night light” (ánh sáng đêm) của Windows 10 và f.lux chẳng hạn.

Các màn hình mới có thể phát ra ít ánh sáng xanh hơn

Một số nhà sản xuất màn hình đưa ra giải pháp giúp giảm mỏi mắt thông qua việc hạn chế lượng ánh sáng xanh phát ra bởi màn hình của họ. Ví dụ, BenQ có công nghệ lọc ánh sáng xanh khá hay trên màn hình của mình.

ASUS cũng có một dòng sản phẩm màn hình chăm sóc mắt, phát ra ít ánh sáng xanh hơn. Tất nhiên, còn nhiều cách khác để hạn chế lượng ánh sáng xanh đó nếu bạn không muốn mua màn hình mới.

Windows 10 có một tính năng được tích hợp sẵn để thực hiện điều tương tự. Người dùng Mac thì có thể tận dụng tính năng Night Shift để cho kết quả giống hệt, và phiên bản macOS Mojave còn có chế độ tối, biến giao diện ứng dụng thành màu đen, góp phần giảm mỏi mắt cho người dùng.

Bạn sẽ mất một lúc mới quen được với một màn hình có tông thiên về đỏ, nhưng nó sẽ mang lại kết quả rất tích cực đấy!

Các màn hình mới cho phép điều chỉnh nhiều thứ hơn

Các màn hình cũ, đặc biệt là màn hình CRT, hầu như không cho phép điều chỉnh gì. Nhưng bạn có thể dễ dàng điều chỉnh độ cao, góc nhìn, và thậm chí là hướng hiển thị của màn hình. Đặt màn hình ở góc nhìn phù hợp là điều tối  quan trọng để có được không gian làm việc thoải mái.

Theo nhiều nghiên cứu, góc nhìn tốt nhất là giữa 20 và 50 độ dưới đường chân trời. Thú vị hơn là, nhìn thẳng vào màn hình sẽ tốt cho cổ, nhưng lại khiến mắt căng thẳng hơn. Góc nhìn dưới đường chân trời giống như góc nhìn khi chúng ta đọc sách vậy – hãy cân nhắc điều đó khi thiết lập góc làm việc của mình.

Một số màn hình có tính năng giảm loá

Nếu màn hình của bạn quá bóng và có xu hướng phản chiếu ánh sáng quá mạnh, mắt bạn sẽ phải hoạt động nhiều hơn mức cần thiết. Ánh sáng loá và phản chiếu khiến việc tập trung vào công việc trở nên khó khăn hơn, khiến tình trạng mỏi mắt khi sử dụng màn hình trở nên trầm trọng hơn. May thay, màn hình với lớp phủ chống loá ngày nay không còn là hàng hiếm nữa.

Có những màn hình được thiết kế nhám hoàn toàn, nhưng chúng thường khiến màu sắc trông như bị bạc. Những màn hình với độ sáng vừa phải (semi-gloss) và được trang bị lớp phủ sẽ giảm thiểu tình trạng loá mà không khiến các chi tiết hình ảnh trở nên khó thấy hơn. Chúng rất phù hợp cho những nơi như văn phòng, hay khi bạn đặt máy tính bàn ở nơi có ánh nắng chiếu vào, hoặc có đèn từ trên trần nhà chiếu xuống.

Các màn hình không có tính năng giảm loá hay không có lớp phủ chống phản chiếu cũng ngày càng hiếm hơn. Tuy nhiên bạn vẫn nên kiểm tra kỹ khi mua sắm để không bị “hố”.