Được khởi động từ tháng 9/2015, song phải đến những ngày cuối năm, thị trường lịch 2016 mới thực sự đi vào hoạt động. Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, cho đến thời điểm hiện tại thị trường lịch tết vẫn khá trầm lắng, sức mua kém.
Mẫu mã đẹp, nội dung phong phú
Những năm gần đây, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng mà còn chú trọng đến hình thức lịch.
Vì vậy, nhà sản xuất rất quan tâm đến các yếu tố này để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhiều cuốn lịch ngoài cung cấp thông tin về ngày, tháng, năm, còn hướng tới tiêu chí mỗi tờ lịch là một vật trang trí cho không gian gia đình, nơi làm việc, là vật phẩm thể hiện nét văn hóa độc đáo…
So với các năm trước, thị trường lịch 2016 không chỉ đa dạng, phong phú, hấp dẫn về nội dung, ý nghĩa mà còn được thiết kế, trang trí rất tinh tế, tỉ mỉ về mặt hình thức.
Lịch Tết Bính Thân 2016 năm nay có nhiều điểm mới lạ với dạng lịch bloc dáng dài, gắn đèn Led, giả ngọc, in chữ nổi, mạ vàng.
Các nhà sản xuất cũng nâng cao chất lượng bìa lịch làm bằng nhiều chất liệu cao cấp như: Gỗ nguyên miếng khắc chữ nổi, chất liệu formica, sơn mài, bìa nhung ép chữ nổi.
Đặc biệt, lịch Tết Bính Thân 2016 có nhiều loại bìa lịch in nổi hình ảnh con giáp của năm rất đẹp mắt.
Điểm nhấn của lịch Tết 2016 là những bộ sách lịch như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “365 món ăn vặt Việt Nam” do Công ty TNHH An Hảo liên kết với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật phát hành; “Tuyệt tác Sơn Đoòng” của Công ty Lịch Xuân Phương Nam…
Mặc dù có nhiều cải tiến về mẫu mã, chất lượng song giá lịch hầu như không tăng nhiều so với năm trước, chỉ có một vài loại tăng nhưng không đáng kể.
Cụ thể các block lịch truyền thống có giá thấp nhất là 30.000 đồng/bộ, lịch để bàn có giá dao động từ 35.000 đến 60.000 đồng/quyển và các loại lịch tờ có giá từ 25.000 – 50.000 đồng/cuốn.
Những block lịch cực đại, siêu cực đại có giá từ 240.000 – 330.000 đồng, thậm chí có những bloc lịch có giá đến 600.000 đồng.
Giảm giá đến 30% nhưng vẫn ế
Dù khởi động từ khá sớm nhưng hiện nay, thị trường bán lẻ lịch năm 2016 vẫn khá trầm lắng, sức mua kém. Chủ yếu là khách hàng từ các cơ quan đơn vị, công ty đặt hàng từ trước và mua với số lượng lớn, còn người dân chủ yếu đi xem mẫu và tham khảo giá.
Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh lịch trên địa bàn Hà Nội thì thị trường bán lẻ năm nay khá vắng, hiện tại lượng khách đến mua hàng chưa cao. Khách đến xem lịch chủ yếu chỉ tham khảo giá cả chứ không có nhiều người mua nên thị trường đã có dấu hiệu chững lại.
Trước thực trạng trên, để thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng, nhà sách, cơ sở kinh doanh đã tung ra chương trình khuyến mại.
Anh Thanh, chủ một cửa hàng bán lịch Tết trên đường Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm) cho biết, mọi năm, anh vẫn nhận được đơn hàng của một số doanh nghiệp nhỏ đặt tặng cho nhân viên nhưng năm nay hầu như không có. “Một số cửa hàng kinh doanh mọi năm cũng đặt lịch để tặng khách nhưng năm nay giảm nhiều. Khách lẻ cũng giảm”, anh Thanh cho hay. Ế ẩm nên anh Thanh cho biết, hiện có những mặt hàng anh cũng phải giảm giá tới 30%.
Chị Tâm, chủ một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng cho biết, ngay từ đầu vụ cửa hàng chị đã áp dụng chính sách chiết khấu cao cho những khách đặt hàng nhiều (khoảng 10 đến 15%) nhưng mức tiêu thụ vẫn rất chậm.
“Do đó, chúng tôi cũng vừa bán vừa lựa tình hình mà giảm giá, kẻo qua Tết Dương lịch chả bán được cho ai, lại thành mớ giấy lộn. Hiện các mặt hàng đang giảm giá từ 20-30% “, chị Tâm cho hay.
Dễ dàng nhận thấy, do thời điểm đến tết Bính Thân 2016 còn khá xa nên người tiêu dùng còn tỏ ra thờ ơ với các sản phẩm lịch Tết. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khi các phương tiện điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng… ra đời cùng những tiện ích của nó đã khiến mọi người ít quan tâm đến lịch giấy.
Ngoài ra, hình thức kinh doanh trực tuyến cũng đang phát triển mạnh, “hút” một lượng khách không nhỏ khiến thị trường lịch Tết kinh doanh theo kiểu truyền thống trở nên trầm lắng.